Hội thảo “Đổi mới chương trình đào tạo, thúc đẩy khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên”

 25/08/2020  1723

Nhằm tạo cơ hội cho cán bộ, giảng viên Nhà trường chia sẻ những kinh nghiệm về đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy, sáng ngày 24/08/2020, trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh đã long trọng tổ chức Hội thảo “Đổi mới chương trình đào tạo, thúc đẩy khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án: “Thúc đẩy các yếu tố thành công và khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên thông qua đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy” do Au4skill tài trợ.

PGS.TS Đỗ Anh Tài – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc hội thảo

Đến dự buổi hội thảo về phía trường Đại học Kinh tế & QTKD có PGS.TS Đỗ Anh Tài – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Trần Văn Quyết –Trưởng Phòng KHCN & HTQT và các thầy cô là trưởng phó các Khoa chuyên môn, trưởng phó Bộ môn và các giảng viên của các Khoa.

Về phía đại biểu tham dự chương trình có PGS. TS Nguyễn Thúy Hà – Phó trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên; TS. Hà Quang Trung – Trưởng Khoa Kinh tế và PTNT, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên; TS.Trần Thị Thanh Tâm, phó trưởng phòng Quản lý chất lượng, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Mở đầu hội thảo, PGS.TS Đỗ Anh Tài, đại diện lãnh đạo Nhà trường lên phát biểu khai mạc hội thảo và trình bày báo cáo dự án: “Thúc đẩy các yếu tố thành công và khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên thông qua đổi mới chương trình đạo tạo và phương pháp giảng dạy” – Những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm.

Trong bài phát biểu của mình, PGS.TS Đỗ Anh Tài nhấn mạnh: Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên (TUEBA) đang phải đối mặt với một thực tế rằng sinh viên tốt nghiệp Nhà trường gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiếm việc làm do thiếu kiến ​​thức, kỹ năng, thái độ và khả năng giải quyết các vấn đề thực tế. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nỗ lực phát triển bản thân của sinh là sự thiếu tiếp xúc thực tiễn với các doanh nghiệp trong ngành, sự tập trung quá nhiều vào các phương pháp giảng dạy truyền thống, sự thiếu tập trung vào sự phát triển nghề nghiệp của sinh viên, và sự thụ động của sinh viên. Những hạn chế này khiến sinh viên tốt nghiệp TUEBA bị sốc khi tham gia thị trường lao động, và khiến người sử dụng lao động không hài lòng với thành tích của nhân viên mà họ đã tuyển dụng.

Dự án “Thúc đẩy các yếu tố thành công và khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên thông qua đổi mới chương trình đào tạo” được thực hiện cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên (TUEBA) nhằm tăng khả năng có việc làm sau khi tốt nghiệp. Dự án dựa trên kết quả đào tạo về thiết kế chương trình giảng dạy với Aus4Skills để mang lại sự thay đổi hơn nữa tại TUEBA nhằm hỗ trợ khả năng tuyển dụng của sinh viên, đặc biệt là những sinh viên thuộc các nhóm thiệt thòi và dễ bị tổn thương. Điều này đạt được thông qua việc xây dựng môn học về định hướng nghề nghiệp và tổ chức lại các môn học hiện tại để cho phép sinh viên thông qua trải nghiệm thực tế có được cái nhìn sâu sắc về nghề nghiệp tương lai của mình; đồng thời cho phép phát triển các kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên để thành công trong sự nghiệp đã chọn và hơn thế nữa. Dự án tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ, giảng viên tăng cường liên kết với các chuyên gia Úc thông qua việc cố vấn và mô hình hóa các phương pháp tiếp cận mới để dạy và học. Trên cơ sở hợp tác giữa Đại học Công nghệ Queensland với Đại học Thái Nguyên nói chung, với Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên nói riêng, các chuyên gia từ Đại học Công nghệ Queensland đã, đang và sẽ tiếp tục cố vấn các khóa đào tạo về thiết kế chuẩn đầu ra và chương trình, phương pháp giảng dạy mới cho các giảng viên và cán bộ TUEBA.”

PGS.TS Nguyễn Thúy Hà – Phó trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Nông Lâm trình bày tham luận

Tại Hội thảo đã được nghe 6 bài tham luận của các diễn giả: PGS.TS Nguyễn Thúy Hà – Phó trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên chia sẻ Kinh nghiệm phát triển chương trình đào tạo đại học theo định hướng nghề nghiệp tại trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên; tham luận Đổi mới chương trình đào tạo đại học nhằm tăng cường khả năng tìm kiếm việc làm cho sinh viên tại trường Đại học kinh tế và QTKD, Thái Nguyên của TS. Tạ Thị Thanh Huyền - Phó trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên; tham luận Đổi mới chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế nông nghiệp theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế tại trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên do TS. Hà Quang Trung - Trưởng khoa Kinh tế và PTNT, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên trình bày; tham luận Xây dựng lại đề cương các học phần thuộc chương trình đào tạo quản trị kinh doanh theo CDIO: Kết quả đạt được, khó khăn và bài học kinh nghiệm do TS. Ngô Thị Hương Giang – Phó trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh trình bày; tham luận Đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá học phần theo chuẩn đầu ra tại trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên do TS. Trần Thị Thanh Tâm, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên trình bày; tham luận Vai trò của định hướng nghề nghiệp tới khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp do TS. Đỗ Thị Thùy Linh – Khoa Marketing – TM & DL, trường Đại học Kinh tế & QTKD trình bày.

TS. Tạ Thị Thanh Huyền - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐHKT&QTKD trình bày tham luận

Hội nghị tiến hành thảo luận

TS. Hà Quang Trung  - Trưởng khoa Kinh tế và PTNT, trường Đại học Nông Lâm trình bày tham luận

Hội thảo đã thảo luận rất sôi nổi về các chủ đề đổi mới chương trình đào tạo, thúc đẩy khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên. Qua buổi hội thảo này, những kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ ngày hôm nay sẽ giúp các thầy cô hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của đổi mới chương trình đào tạo và ý nghĩa của hoạt động này đối với việc thúc đẩy khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Nguyễn Thị Thu Thảo - CTHSSV


BÀI VIẾT LIÊN QUAN