Tìm hiểu ý nghĩa lịch sử ngày 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5
29/04/2021Hằng năm cứ tới ngày 30/4 và 1/5 toàn bộ CBCNV cả nước sẽ được nghỉ. Đây được coi là một trong những dịp lễ quan trọng của Việt Nam. Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao vào 2 ngày nay chúng ta được nghỉ chưa? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Ý nghĩa lịch sử của ngày 30/4 và 1/5 là gì?
1. Lịch và ý nghĩa ngày 30/4
Sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975, hay còn gọi là giải phóng miền Nam, Thống nhất Đất Nước hoặc ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ, ngày Quốc hận và Tháng Tư Đen trong cộng đồng người Việt chống Cọng ở nước ngoài. Đây là ngày chấm dứt Chiến tranh Việt Nam khi Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam tiến vào thành phố Sài Gòn, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh cùng nội các tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Chính phù Cách mạng lân thời Công hòa miền Nam Việt Nam vào sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Ngày này là kết quả trực tiếp của Chiến dịch Mùa Xuân năm 1975 và là một cột mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Sài Gòn sau đó đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh theo tên của cố Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh.
Ngày 30/4 là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Chiến thắng ngày 30/4/1975, có những ý nghĩa đối với toàn bộ Việt Nam như:
- Là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
- Là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc.
- Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc.
- Chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta
- Là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội
Cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.
2. Lịch sử và ý nghĩa ngày Quốc tế Lao động 1/5
Ngày 1 tháng 5 hay còn được gọi là ngày Quốc tế Lao động hay là ngày lễ kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động.
Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình.
Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mít-tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”
Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cũng trong ngày hôm đó, tại các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia.
Ngày 1/5 là ngày lễ kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động
Ở Washington, New York, Baltimore, Boston… hơn 125.000 công nhân giành được quyền ngày chỉ phải làm 8 giờ.
Các cuộc biểu tình bị đàn áp nặng nề. Giới chủ đuổi những công nhân bãi công, thuê người làm ở các thành phố bên cạnh, thuê bọn khiêu khích và cảnh sát đàn áp, phá hoại cuộc đấu tranh của công nhân và gây nên sự kiện thảm sát Haymarket năm 1886 tại Chicago, Mỹ. Nhưng cuối cùng, giới chủ phải chấp nhận yêu sách của công nhân.
Ngày 20/6/1889, ba năm sau “thảm kịch” tại thành phố Chicago, Quốc tế cộng sản II được nhóm họp tại Paris (Pháp). Dưới sự lãnh đạo của Friedrich Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước.
Năm 1920, với sự phê chuẩn của Lê Nin, Liên Xô (cũ) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm việc vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới tán thành.
Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày l/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập – tự do – dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế – xã hội.
Ngày nay, ngày Quốc tế Lao động đã trở thành ngày hội lớn của hai giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Và hằng năm, người lao động trên toàn thế giới lại cùng nhau kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Hy vọng qua những thông tin mà bài viết chia sẻ đã mang lại kiến thức hữu ích cho bạn về ý nghĩa và lịch sử của ngày 30/4 và 1/5.
Nguyễn Thị Thu Thảo – CTHSSV (ST)
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
+ Ký kết biên bản thoả thuận hợp tác với Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu - Chi nhánh Thái Nguyên
+ Đoàn công tác Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh thăm và làm việc tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Giang Môn, Trung Quốc
+ Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024
+ Hội nghị Tổng kết công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024, triển khai nhiệm vụ chính trị năm 2025