Sứ mạng, chức năng, nhiệm vụ

 24/10/2016  1410

     

    Tháng 3 năm 1978, Khoa Kinh tế Nông nghiệp (Trường Đại học Nông nghiệp III Bắc Thái, hiện là Trường Đại học Nông Lâm) - tiền thân của Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh ngày nay được thành lập theo Quyết định của Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ngày 02 tháng 8 năm 2004, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh được thành lập theo Quyết định số 136/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Khoa Kinh tế được tách khỏi Trường Đại học Nông Lâm, được điều chuyển hoàn toàn về Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, đổi tên thành “Khoa Kinh tế” của Trường.

      Suốt chặng đường gần 40 năm, thầy trò cùng các cán bộ của Khoa Kinh tế đã khắc phục nhiều khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và mở rộng quan hệ quốc tế. Hàng vạn cử nhân, hàng trăm thạc sĩ, hàng chục tiến sĩ thuộc các chuyên ngành đào tạo khác nhau được Khoa đào tạo đã trở thành những nhà khoa học, nhà giáo dục và nhà quản lý xuất sắc, có đóng góp quan trọng cho xã hội. Khoa Kinh tế đã khắc ghi được những thành tích thật ấn tượng, góp phần tô thắm thêm trang sử vàng truyền thống của nhiều địa phương, nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều tổ chức kinh tế - xã hội trong cả nước. Thành công đó của mỗi giảng viên, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh trưởng thành từ Khoa Kinh tế đã hàng ngày, hàng giờ vun đắp nên truyền thống vẻ vang, khẳng định sự đóng góp lớn lao của tập thể Khoa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Sứ mạng

      Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng ở bậc đại học và trên đại học; nghiên cứu khoa học; tham vấn chính sách; chuyển giao kết quả nghiên cứu; mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực Kinh tế và Xã hội nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển của Việt Nam, đặc biệt là khu vực trung du, miền núi phía Bắc. 

* Chức năng, nhiệm vụ

     Căn cứ theo Quyết định ban hành Điều lệ trường đại học số 70/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/12/2014, Khoa Kinh tế có các chức năng, nhiệm vụ chủ yếu sau:

        1. Quản lý giảng viên, người lao động khác và người học thuộc Khoa Kinh tế theo phân cấp của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh.

        2. Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục, đào tạo theo kế hoạch chung của Nhà trường, bao gồm:

          - Xây dựng chương trình đào tạo của các chuyên ngành: Kinh tế Đầu tư; Kinh tế Tài nguyên và Môi trường; Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kinh tế Phát triển; Kinh tế Y tế; Kinh tế và Quản lý bệnh viện; Kinh tế Bảo hiểm xã hội; Kinh tế Bảo hiểm y tế. Đưa Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh trở thành cơ sở đào tạo có uy tín về đào tạo chuyên ngành Kinh tế Y tế, Kinh tế và Quản lý bệnh viện.

          - Tổ chức biên soạn đề cương chi tiết các học phần liên quan, bảo đảm tính khoa học và liên thông giữa các học phần của chương trình đào tạo, giữa các trình độ đào tạo.

          - Tổ chức phát triển các chương trình đào tạo, xây dựng các đề án, biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo kế hoạch, định hướng phát triển của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh.

           - Tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập; chuyển giao và áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến vào trong hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của Khoa.

          - Xây dựng và thực hiện phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của người học, đảm bảo cho người học đạt được chuẩn đầu ra theo cam kết đã được công bố cả về chuyên môn, ngoại ngữ và tin học, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

        3. Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học, công nghệ, hợp tác giữa Khoa Kinh tế và các tổ chức khoa học công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến các chuyên ngành đào tạo; huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo của Khoa.

        4. Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, ngành nghề đào tạo và cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.

       5. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giảng viên và người lao động, người học; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên và người lao động thuộc Khoa.

       6. Tổ chức đánh giá cán bộ quản lý, giảng viên, người học trong Khoa và tham gia đánh giá cán bộ quản lý trong Trường theo quy định của Nhà trường.

        7. Phối hợp với các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên tổ chức các hoạt động để nâng cao nhận thức, cổ vũ tinh thần và nâng cao chất lượng cuộc sống cho giảng viên, người lao động, người học của Khoa Kinh tế.


BÀI VIẾT LIÊN QUAN