Lựa chọn Trường Đại học - "Bỏ phố về quê"

 29/07/2023  1243

Chọn nơi học tập bậc đại học, chọn Trường, chọn Ngành để theo học luôn là một trong những quyết định quan trọng của mỗi bạn học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời. Không chỉ là nơi sẽ gắn bó cả thanh xuân, quyết định này còn tác động trực tiếp tới tương lai của mỗi người. Học ở thủ đô phồn hoa, hay “thành phố yên bình”? Học các ngành khoa học tự nhiên, hay kinh tế, du lịch, luật? Chọn ngành học theo sở thích cá nhân hay theo định hướng gia đình? Đó đều là những quyết định rất khó khăn cho mỗi bạn trẻ mới độ tuổi đôi mươi. Xu thế chung, rất nhiều bạn trẻ muốn học đại học tại thủ đô phồn hoa, nhưng Quỳnh Anh, Hoàng Long, Thành Đạt là ba trong số rất nhiều bạn trẻ, sau một thời gian học tập tại Hà Nội đã lựa chọn quay trở lại học tập tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên hay gọi nôm na là “Bỏ phố về quê” - Một trong những xu thế dịch chuyển mới của giới trẻ hiện nay. Vậy những lý do nào khiến Quỳnh Anh, Hoàng Long, Thành Đạt và rất nhiều bạn sinh viên khác đã lựa chọn quay trở lại học tập tại Thái Nguyên thay vì tiếp tục học tập tại thủ đô Hà Nội?

Thái Nguyên – Thành phố phát triển với vị trí địa lý tuyệt vời

“Thủ đô kháng chiến” là từ khóa gợi mở đầu tiên khi nói về Thái Nguyên – Nơi đặt đại bản doanh của Chiến khu Việt Bắc năm xưa. Thái Nguyên có vị trí vô cùng đặc biệt, chỉ cách trung tâm thủ đô Hà Nội 75km, nằm giữa trung tâm của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Với các tuyến đường trọng điểm như quốc lộ 3, quốc lộ 17, quốc lộ 37, quốc lộ 1B…Việc di chuyển từ các tỉnh tới Thái Nguyên vô cùng thuận tiện. Di chuyển từ Hà Nội về Thái Nguyên chỉ mất chưa đầy 01 giờ đồng hồ.

 Thái Nguyên là thành phố đứng thứ 25 về dân số với gần 1,4 triệu người, GRDP đạt 150.195 tỉ đồng - đứng thứ 2 vùng Trung du và miền núi phía Bắc và nằm trong top 12 tỉnh thành có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Thái Nguyên có cơ cấu kinh tế khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 58,7%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,8%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 30,5%.

Theo kết quả của tổng điều tra dân số nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, Thái Nguyên là địa phương đứng thứ 3 cả nước về tỷ lệ sở hữu ô tô cá nhân trên hộ dân với tỷ lệ 10,3%, chỉ xếp sau Hà Nội và Đà Nẵng và đây cũng là tỉnh có tỉ lệ số hộ gia đình sử dụng điện thoại đứng thứ 3 cả nước, chỉ xếp sau Thành phố Hồ Chí Minh và Cà Mau.

 Như vậy, có thể nói rằng, Thái Nguyên thực sự là một thành phố công nghiệp phát triển - Một nơi tuyệt vời để học tập, làm việc và sinh sống.

(Ảnh: Thành phố Thái Nguyên)

Chi phí học tập và sinh hoạt rẻ

 Chi phí sinh hoạt ở Hà Nội cao hơn nhiều so với Thái Nguyên, đặc biệt là tiền thuê trọ, gấp khoảng 04 lần - Quỳnh Anh chia sẻ. Quỳnh Anh trước đây học tập tại Khoa Kinh tế, chuyên ngành Kế toán - Trường Đại học Mở Hà Nội. Hiện bạn đang học tập tại Khoa Kế toán – Trường Đại học Kinh tế & QTKD – Đại học Thái Nguyên.

Hoàng Long (Cựu sinh viên Học viện Ngân hàng, hiện đang là sinh viên năm cuối ngành Tài chính – Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế & QTKD – Đại học Thái Nguyên) cho biết, bình quân bạn phải chi 5 triệu/tháng cho sinh hoạt cơ bản. Nhưng sự chênh lệch chi phí sinh hoạt chỉ là một phần, học phí mới là vấn đề đáng băn khoăn. Tham khảo tại một trường đại học kinh tế lớn tại Hà Nội cho thấy, học phí dao động từ 450.000đ - 1.035.000đ/tín chỉ, trong đó các nhu cầu xã hội cao như quản trị Marketing, Kinh doanh quốc tế, Kế toán, Du lịch, Tài chính hay Kinh tế đầu tư có mức học phí 600.000đ/tín chỉ. Nghĩa là một năm học, các bạn sẽ tốn từ 15.000.000đ - 35.000.000đ, ngành học HOT sẽ tốn 20.000.000đ. Mức học phí này gấp 2 - 3,5 lần so với học tập tại Trường Đại học Kinh tế & QTKD tại Đại học Thái Nguyên (301.500 đồng/tín chỉ, khoảng 10,5 triệu/năm) có các ngành tương tự. Thành Đạt (Cựu sinh viên Trường Đại học Thủy lợi, sinh viên ngành Quản trị Marketing tại Trường Đại học Kinh tế & QTKD) cho biết, em thường xuyên phải tốn 20-22 triệu/năm cho học phí và các khoản dịch vụ hàng tháng khác của Trường.

Bên cạnh vấn đề học phí và sinh hoạt phí, vấn đề di chuyển ở Hà Nội cũng vất vả và tốn kém hơn nhiều so với Thái Nguyên do tắc đường, kẹt xe. Mỗi sáng bạn phải dậy từ rất sớm và mất nhiều thời gian để di chuyển trong bầu không khí ô nhiễm, khói bụi để tới Trường.

Chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên

Cả Quỳnh Anh, Hoàng Long và Thành Đạt đều nhận định, chương trình đào tạo của cả hai trường các bạn đã học tập không quá khác biệt, đều phù hợp với phương pháp giảng dạy hiện đại, khối kiến thức toàn diện, đầy đủ trang bị cho sinh viên để các em có thể làm việc tốt sau khi ra trường. “Trường Đại học Kinh tế & QTKD và Trường Đại học Mở Hà Nội đều có đội ngũ giảng viên chất lượng, có tâm huyết với nghề. Sau thời gian tiếp xúc với giảng viên của cả 2 ngôi trường, e cảm thấy may mắn vì cho dù học ngôi trường nào, e cũng đều được học hỏi từ các thầy cô vô cùng tận tâm và nhiệt huyết với công việc giảng dạy và nhiệt tình giúp đỡ giải đáp các thắc mắc của em” - Quỳnh Anh chia sẻ.

Trường Đại học Kinh tế & QTKD hiện có 261 giảng viên cơ hữu, trong đó có 05 Phó Giáo sư, 105 giảng viên có trình độ Tiến sĩ, 155 giảng viên có trình độ Thạc sĩ. Nhiều Thầy cô tại Trường được đào tạo từ các cơ sở giáo dục uy tín tại nước ngoài như Đại học New Mexico (Hoa Kỳ), Đại học Essex (Vương Quốc Anh), Đại học Hohenheim, Đại học Tổng hợp Fried-Schiller-Jena (CHLB Đức), Đại học Kinh Doanh BI (Nauy), Đại học SoGang (Hàn Quốc),…với khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh và năng lực nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Đặc biệt, các phương thức giảng dạy luôn được cập nhật theo xu thế thế giới, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật công nghệ như Blended Learning, E-Learning, Interative Learning, Creative Learning...Bên cạnh đó, Nhà trường thường xuyên liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong thực tập, đào tạo, tích cực chuyển giao khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.

(Ảnh: Trường Đại học Kinh tế và Quản Trị Kinh doanh – Đại học Thái Nguyên)

Hoạt động ngoại khóa và môi trường học tập

            Là một người sôi nổi và đã có thời gian hoạt động các hoạt động ngoại khóa CLB ở cả hai trường, Quỳnh Anh cho biết, các phong trào hoạt động ngoại khóa của Trường Đại học Kinh tế & QTKD không hề kém cạnh gì với các bạn ở Thủ đô. “Các trường đại học ở HN luôn đi đầu trong phong trào hoạt động ngoại khóa cho sinh viên, tạo nhiều cơ hội cho sinh viên được thể hiện bản thân. Khi trở về Trường Đại học Kinh tế & QTKD Thái Nguyên em cũng rất ngạc nhiên vì hoạt động ngoại khóa của các bạn sinh viên vô cùng sôi nổi và nhiệt huyết” - Quỳnh Anh chia sẻ.

            Về môi trường học tập, Quỳnh Anh chia sẻ, cả hai Trường nơi bạn đã và đang học tập đều rất tốt, kỷ luật, nghiêm túc và chỉnh chu. Định hướng đào tạo và phát triển cỉa Trường Đại học Kinh tế & QTKD được gói gọn trong Triết lý giáo dục với 03 từ khóa “Sáng tạo -  Thực tiễn - Hội nhập”. Bên cạnh đó, mặc dù là một Trường ở Tỉnh, nhưng cơ sở vật chất của Trường Đại học Kinh tế & QTKD rất tốt với 50 phòng học diện tích sàn 13.834 m2, trong đó 70% các phòng học đều có điều hòa, 100% các phòng đều có máy chiếu và công cụ hỗ trợ học tập, giảng dạy; 04 phòng máy tính thực hành diện tích 319 m2 sàn; 01 phòng học đa phương tiện diện tích 76 m2; 03 phòng thư viện diện tích 343 m2 và 01 Trung tâm học liệu diện tích 10.000m2.

Môi trường sống khác biệt - Sự xô bồ và sự bình yên

            “Một chút hụt hẫng” là cảm giác của Quỳnh Anh khi bạn đưa ra quyết định chuyển Trường. “Em đặc biệt thích sự sôi nổi và xô bồ ở Thủ đô. Trong thời gian em sinh sống và học tập ở Hà Nội, em thấy mình rất năng động và bận bịu khám phá thế giới mới và bản thân em rất thích điều đó. Khi trở về Thái Nguyên em có chút hụt hẫng ban đầu nhưng sau khi trải qua một thời gian và dần quen với nhịp sống ở Thái Nguyên em cảm thấy mình có thể sống chậm và sống nhẹ nhàng hơn một chút. Khi ở Hà Nội, vẻ đẹp sẽ là thành phố với các tòa nhà cao tầng xa hoa thì Thái Nguyên lại đem lại sự yên bình vì nhịp sống và cảnh quan đều cho em cảm giác nhẹ nhàng. Mỗi môi trường đều có một cái hay của nó, em đã tận hưởng và rất yêu thích cả hai môi trường sống” - Quỳnh Anh chia sẻ.

            Đồng quan điểm, Thành Đạt ban đầu cảm thấy một chút tiếc nuối khi từ bỏ Thủ đô về Thái Nguyên học tập, nhưng mỗi môi trường đều có những điểm hay nhất định. Với Thái Nguyên, đó là nơi có môi trường sống trong lành, nhẹ nhàng, yên bình và đặc biệt là an toàn.

(Ảnh: Ngô Thị Quỳnh Anh – Sinh viên lớp K17-Kế toán Kiểm toán –

Trường Đại học Kinh tế & QKTD)

Hài lòng với sự lựa chọn

            Mặc dù có một chút tiếc nuối, một chút hụt hẫng khi thay đổi môi trường sống, nhưng cả Quỳnh Anh, Hoàng Long và Thành Đạt đều hài lòng với sự lựa chọn của mình. Quay trở lại Thái Nguyên học tập giúp các bạn được gần gia đình, tiết kiệm chi phí học tập, nhưng vẫn đảm bảo kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng để thành công và phát triển trong tương lai.

            “Dù sau này có làm việc ở đâu chăng nữa, em luôn hướng về mảnh đất Thái Nguyên. Em mong muốn có thể góp một phần trong công cuộc phát triển tỉnh Thái Nguyên sánh ngang với các tỉnh thành lớn và có thể cho mọi người từ khắp đất nước thấy một Thái Nguyên không ngừng phát triển và đẹp đẽ”. - Quỳnh Anh tâm sự.

 

Tác giả: Đoàn Quang Huy


BÀI VIẾT LIÊN QUAN