Lịch sử, nguồn gốc và ý nghĩa ngày giải phóng miền Nam 30/4

 27/04/2020  1021

Mọi người đều biết rằng mỗi năm, ngày cuối cùng của tháng 4 sẽ được nghỉ học và nghỉ làm. Thế nhưng, chưa hẳn ai cũng biết 30/4 là ngày gì? Ngày 30/4 có ý nghĩa lịch sử gì?

Nguồn gốc của ngày 30/4

Ngày 30/4 được mọi người biết đến với tên gọi ngày Giải phóng miền Nam. Tên gọi này liên quan trực tiếp đến sự kiện vào năm 1975.

Cách đây 45 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Hình ảnh chiếc xe tăng của quân ta tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975

Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sài Gòn được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, theo tên của cố Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh.

Ý nghĩa lịch sử của ngày 30/4/1975

Ngày 30/4/1975 không chỉ là biểu tượng đáng tự hào của dân tộc Việt Nam; mà còn là tấm gương sáng về công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Vào thời gian đó, nước ta chỉ là một đất nước nghèo, trình độ dân trí thấp, kinh tế kém phát triển và bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Vậy mà, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự kiên cường, đoàn kết của cả dân tộc; nhân dân Việt Nam đã viết nên câu chuyện thần kỳ đánh đuổi chủ nghĩa đế quốc bằng chính sức mình.

Chiến thắng của nhân dân Việt Nam trước đế quốc Mỹ hùng mạnh đã góp phần làm suy yếu thế lực của chủ nghĩa đế quốc xâm lược; đảo lộn hoàn toàn kế hoạch xâm lược Đông Nam Á của Mỹ. Qua đó, trở thành động lực, nguồn cổ vũ to lớn, thúc đẩy các dân tộc bị đô hộ trên thế giới vùng lên chiến đấu.

Ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là ngày cả dân tộc cùng ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang hào hùng, giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương đất nước và bài học về sức mạnh đoàn kết, một lòng.

Các hoạt động kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam năm nay

Nghỉ lễ Giải phóng miền nam 30/4 và Quốc tế lao động 1/5 năm nay sẽ kéo dài 4 ngày. Tuy nhiên, trước bối cảnh cả nước đang có những biện pháp phòng dịch COVID-19, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 2020, Trường Đại học Kinh tế Và QTKD không tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Mọi CBVC, HSSV của Nhà trường hạn chế tụ tập nơi đông người, ra đường đeo khẩu trang và chỉ ra khỏi nhà với lý do chính đáng.

Nguyễn Thị Thu Thảo – CTHSSV (ST)


BÀI VIẾT LIÊN QUAN