Hội thảo thường niên lần thứ nhất trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực nữ lãnh đạo trong giáo dục đại học hướng tới thời đại chuyển đổi số và toàn cầu hóa”

 29/05/2023  1193

Chính thức được khởi động từ tháng 01/2022, tính tới nay, Dự án “Nâng cao năng lực nữ lãnh đạo trong giáo dục đại học hướng tới thời đại chuyển đổi số và toàn cầu hóa” đã tổ chức thành công một chuỗi hoạt động hội thảo quốc tế, chuỗi đối thoại, đào tạo TOT và cấu phần E-learning trên hệ thống LMS của ĐHQGHN. Nằm trong khuôn khổ Dự án, ngày 25/5/2023, Hội thảo thường niên lần thứ nhất được tổ chức tại ĐHQGHN theo hình thức trực tiếp kết hợp online, với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ Vương quốc Anh, Mỹ, Malaysia và Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có bà Hoàng Vân Anh, Giám đốc Chương trình Giáo dục Đại học và Kỹ năng, Hội đồng Anh; Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn dự Hội thảo trực tuyến; đại diện lãnh đạo của ĐH Coventry (Vương quốc Anh), Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH Kinh tế & Quản trị Kinh doanh - ĐH Thái Nguyên cùng đại diện một số học viện, đại học của Việt Nam.

Về phía ĐHQGHN có bà Trần Thị Thanh Tú – Trưởng nhóm Dự án, Trưởng Ban Xúc tiến đầu tư, Phó Chủ tịch CLB Nhà khoa học (VSL); ông Đào Thanh Trường – Trưởng Ban điều hành CLB Nhà khoa học, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; ông Trần Xuân Tú – Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin; bà Hà Lê Kim Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ; ông Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục; đại diện một số đơn vị thành viên và trực thuộc.

Dự án “Nâng cao năng lực nữ lãnh đạo trong giáo dục đại học hướng tới thời đại chuyển đổi số và toàn cầu hóa” (EWL) được tài trợ bởi Hội đồng Anh và sự chủ trì, tham gia của các trường đại học, bao gồm: ĐHQGHN (do Viện Công nghệ Thông tin là đơn vị chủ trì, Câu lạc bộ Nhà Khoa học chủ trì chuyên môn) phối hợp với ĐH Coventry (Vương Quốc Anh); Trường ĐH Phenikaa; Trường ĐH Kinh tế & Quản trị Kinh doanh – ĐH Thái Nguyên.

Giới thiệu thông tin về Dự án, bà Trần Thị Thanh Tú cho biết, Dự án nhằm cung cấp kiến ​​thức và kỹ năng cho các nữ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) tại Việt Nam; từ đó trao quyền cho nữ lãnh đạo giáo dục đại học trong bối cảnh số hóa và toàn cầu hóa hiện nay. Các mục tiêu của Dự án đều hướng tới thực hiện các chiến lược của các trường đại học đối tác trong mục tiêu chuyển đổi số và định hướng đổi mới sáng tạo.

Bà Trần Thị Thanh Tú cho biết, đối tượng hưởng lợi của dự án là các nữ lãnh đạo các cấp trong các trường đại học Việt Nam, bao gồm nữ trưởng khoa, nữ trưởng nhóm nghiên cứu, nữ trưởng phòng, phó hiệu trưởng, hiệu trưởng và phó chủ tịch, chủ tịch hội đồng trường …

Dự án sẽ cung cấp một chuỗi các hoạt động gồm: các khóa đào tạo, các đối thoại, hội thảo định kỳ và thường niên từ các chuyên gia hàng đầu ở Anh cũng như Việt Nam và các nhà lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.

Ngoài ra, bằng việc xây dựng một nền tảng kỹ thuật số, cung cấp một không gian ảo, Dự án sẽ kiến tạo nên một mạng lưới giữa các nữ lãnh đạo trong CSGDĐH tham gia và trao đổi kiến thức và ý tưởng. Thêm vào đó, các kinh nghiệm và kiến ​​thức trong lĩnh vực số hóa và toàn cầu hóa sẽ được chia sẻ từ các giáo sư đến từ Vương quốc Anh và các nhà lãnh đạo ASEAN và Việt Nam trong mạng lưới để giúp các nữ lãnh đạo nâng cao năng lực để thích ứng tốt hơn với quá trình số hóa và toàn cầu hóa trong Việt Nam hiện nay.

Đặc biệt hơn nữa, sau khi tham gia các hội thảo, khóa đào tạo, các thành viên sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển và nhận được sự hỗ trợ từ các giáo sư và các nhà lãnh đạo tại Vương quốc Anh và Việt Nam để hoàn thiện và thực hiện kế hoạch.

Ông Đào Thanh Trường – Trưởng Ban điều hành Câu lạc bộ Nhà khoa học cho biết, đây là dự án đầu tiên của Câu lạc bộ nhà khoa học đại diện cho ĐHQGHN phối hợp với các đại học ở Anh Quốc và Việt Nam, góp phần thực hiện sứ mệnh kết nối không biên giới của VSL. Việc Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN đồng hành cùng các đối tác triển khai chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Dự án từ đầu năm 2021 đến nay, từ lễ khởi động Dự án, Cấu phần đào tạo trực tuyến cung cấp kiến thức về Quản trị đại học trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa cho các nữ lãnh đạo, đến các đối thoại chính sách, hội thảo theo quý, theo năm… góp phần tạo ra sự kết nối giữa các nhà quản lí, nhà khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt giữa các nhà khoa học, nữ lãnh đạo ở Anh và khu vực ASEAN.

Ban điều hành Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN cam kết sẽ đồng hành cùng Dự án và các trường đại học đối tác, tiếp tục chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện các hoạt động của Dự án trong giai đoạn tới, nhằm lan tỏa tốt nhất các mục tiêu của Dự án đến cộng đồng nhà khoa học, nữ lãnh đạo trong giáo dục đại học.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Hoàng Vân Anh cho biết, Hội đồng Anh Hội đồng Anh xác định thúc đẩy sự bình đẳng, đa dạng và hội nhập là giá trị cốt lõi. Dự án nhằm nâng cao chất lượng, thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục đại học; thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của nữ giới trong lãnh đạo đại học. Hội đồng Anh chú trọng phát triển năng lực lãnh đạo cho các trường đại học nhằm tăng cường quản trị, tự chủ và thúc đẩy hòa nhập, bình đẳng trong lãnh đạo giáo dục đại học bằng việc hỗ trợ tăng cường tham gia nhiều hơn của nữ giới trong các chương trình hợp tác phát triển giáo dục đại học...

Bà mong rằng các nhà lãnh đạo nữ sau khi tham gia dự án sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới rộng hơn, cùng thảo luận về sự quan trọng của kết nối các lãnh đạo nữ trong giáo dục đại học, về sự quan trọng của quá trình hỗ trợ, tư vấn và xây dựng các hình mẫu lãnh đạo nữ tiên tiến, để tạo cơ hội cũng như thúc đẩy nữ giới tham gia rộng rãi hơn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thu Thủy cho rằng, Dự án “Nâng cao năng lực nữ lãnh đạo trong giáo dục đại học hướng tới thời đại chuyển đổi số và toàn cầu hóa” mà ĐHQGHN chủ trì đang hướng tới những mục tiêu rất quan trọng, cấp thiết, đặc biệt khi gắn với bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa tại Việt Nam.

Cấu phần dự án được xây dựng bao gồm chuỗi các hoạt động từ hội thảo quốc tế, đối thoại chính sách, cấu phần E-learning với nhiều kiến thức quan trọng về quản trị đại học, chuyển đổi số và bình đẳng giới. Bà tin rằng với cách tiếp cận như vậy và sự vận hành Dự án linh hoạt, hiện đại cùng các sự kiện xuyên suốt, có sự tham gia các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, các nhà quản lý hoạch định chính sách, đồng thời áp dụng những phương pháp giảng dạy số hóa sẽ mang lại lợi ích tối đa cho đối tượng hưởng lợi của dự án là các nữ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục đại học. Bà cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng ĐHQGHN và các đơn vị liên quan trong việc phát triển, thúc đẩy các hoạt động của dự án.

Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin Trần Xuân Tú - đơn vị chủ trì Dự án chia sẻ tại Hội thảo

Hội thảo đã nghe và thảo luận một số nội dung chính: Vai trò của nữ lãnh đạo trong giáo dục đại học, chuyển đổi số và toàn cầu hoá trong giáo dục đại học; Phát triển đội ngũ giảng dạy trong quá trình chuyển đổi số; Nữ lãnh đạo và Chuyển đổi số trong giáo dục Đại học; Ra mắt cấu phần E-learning và hệ thống bài giảng trực tuyến cho Trực tuyến: Zoom, and Livestream qua Facebook.

Các đại biểu tham dự cũng được nghe tham luận chia sẻ từ đại diện các đơn vị tham gia Dự án như: Thành phố đại học thông minh: Dự án Đại học Phenikaa (Trường ĐH Phenikaa); Quản trị đại học và Vai trò của Nữ lãnh đạo (Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN); Số hoá đại học: góc nhìn từ trải nghiệm cá nhân (ĐH Coventry); Nữ lãnh đạo và Chuyển đổi số trong giáo dục Đại học: Bối cảnh Malaysia (INTI International University, Malaysia); Hỗ trợ giảng dạy về giao thoa và đa dạng giới với các nguồn tài nguyên kỹ thuật số (Học giả Fulbright); Chuyển đổi số trong ĐHQGHN hướng tới cán bộ, giảng viên và học viên, sinh viên (Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN); Phát triển đội ngũ giảng dạy trong quá trình chuyển đổi số: Nghiên cứu trường hợp tại một đơn vị đào tạo đại học của Việt Nam (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN). Đồng thời, các đại biểu tham gia cũng được hướng dẫn sử dụng hệ thống LMS và cấu phần E-learning.

Đưa tin: Nguyễn Thị Anh Đào – Phòng KHCN & HTQT trích nguồn từ VNU (ĐHQGHN)


BÀI VIẾT LIÊN QUAN