Hội thảo dự án “Nâng cao Nhận thức về Sức khỏe Tâm thần của các trường ĐH tại Đông Nam Á (MentalHigh)” tại Campuchia thành công tốt đẹp

 02/02/2024  727

Từ ngày 09/01/2024 đến ngày 12/01/2024 tại trường Đại học Hoàng gia Phnom Penh (RUPP) đã diễn ra Hội thảo trao đổi chuyên môn của Dự án MentalHigh, về quy trình phỏng vấn nhóm tập trung nhằm thực hiện “Khảo sát hiểu biết và nhu cầu về sức khỏe tâm thần của cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên các trường đại học Việt Nam, Campuchia”.

Thành viên tham dự Hội thảo tại trường Đại học Hoàng gia Phnom Penh (RUPP), Campuchia

Tham dự hội thảo có đại diện của 10 trường thành viên dự án, bao gồm ĐH Khoa học Ứng dụng Hamburg (Đức), Đại học Khoa học Ứng dụng Turku (Phần Lan), Đại học Jaume I De Castellon (Tây Ban Nha), Đại học Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia), Viện Giáo dục Quốc gia Campuchia, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nông Lâm và Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên – Đại học Thái Nguyên, và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. Ngoài ra, tham dự hội thảo còn có các sinh viên, học viên của Đại học Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia). Trong đó, các thành viên của dự án tham gia trực tiếp gồm các đại diện đến từ Đại học Khoa học Ứng dụng Turku (Phần Lan) và Đại học Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia). Sự kiện được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp – trực tuyến cho phép các thành viên không thể tham dự trực tiếp vẫn có thể trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan.

Khai mạc hội thảo, Phó hiệu trưởng trường Đại học Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia) – PGS.TS. Kean Tak, đã phát biểu chào mừng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện dự án MentalHigh. Dự án góp phần trang bị cho sinh viên, học viên tại các trường đại học tại Đông Nam Á những công cụ cần thiết để quản lý sự căng thẳng, xây dựng khả năng phục hồi tâm thần, duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa học tập và cuộc sống cũng như giải quyết các thách thức về sức khỏe tâm thần.

PGS.TS. Kean Tak – Phó hiệu trưởng trường Đại học Hoàng gia Phnom PenhCampuchia (RUUP) Phát biểu khai mạc hội thảo

Sau đó, các trường thành viên trình bày đánh giá sơ lược về các hoạt động đã được triển khai trong thời gian qua, rà soát lại những tài liệu liên quan đến quy trình phỏng vấn nhóm tập trung, thống nhất thời gian tiến hành thu thập và xử lý số liệu và trao đổi những vấn đề có liên quan.

Tiến sỹ Mari Lahti, trường Đại học Khoa học Ứng dụng Turku (Phần Lan) đã trình bày cụ thể phương pháp thực hiện phỏng vấn nhóm tập trung, trong đó nhấn mạnh mục đích của các cuộc thảo luận nhóm tập trung là nhằm tìm hiểu mức độ nhận thức, quan điểm và thái độ của người được phỏng vấn về các vấn đề sức khỏe tâm thần tại trường đại học nhằm tìm kiếm lời giải thích cho hành vi thông qua các cuộc thảo luận tương tác. Theo đó, sự tương tác trong nhóm thường dẫn đến sự hình thành thái độ và nhận thức. Điều này đặc biệt hữu ích khi nghiên cứu các chủ đề khó tiếp cận, chẳng hạn như tình trạng suy sụp tinh thần cấp tính.

Tiến sỹ Mari Lahti – Đại học Khoa học Ứng dụng Turku, Phần Lan (TUAS).

Tiếp đó, Tiến sỹ Joonas Korhonen, trường Đại học Khoa học Ứng dụng Turku (Phần Lan) cũng đã trình bày hướng dẫn triển khai thực hiện phỏng vấn nhóm tập trung tại từng trường thành viên. Mục đích của hướng dẫn quy trình trong thảo luận nhóm tập trung là giúp cho người chủ trì có thể tạo ra được bầu không khí thư giãn để người trả lời phỏng vấn có thể thoải mái thể hiện quan điểm của mình trong cuộc thảo luận nhóm tập trung. Điều này nhằm tăng tính toàn diện của việc thu thập dữ liệu và giúp việc thu thập dữ liệu hiệu quả hơn.

Tiến sỹ Joonas Korhonen – Đại học Khoa học Ứng dụng Turku, Phần Lan (TUAS).

Đối tượng tham gia phỏng vấn có thể được lựa chọn từ các trường đại học, hiệp hội sinh viên, từ các tổ chức phi chính phủ địa phương. Việc lấy mẫu thuận tiện chủ yếu được sử dụng để tìm những người tham gia có kinh nghiệm về chủ đề đang được nghiên cứu. Sau đó, những người liên hệ ban đầu được yêu cầu đề xuất những người sẽ có những đóng góp thú vị tham gia cuộc thảo luận. Các thành viên trong một nhóm tập trung có thể đồng nhất ở một số khía cạnh và không đồng nhất ở những khía cạnh khác. Quy mô được đề xuất cho một nhóm tập trung là 5-10 người tham gia. Trong đó, một người là người phỏng vấn và người kia là người ghi chép/ điều hành.

Thảo luận hoạt động phỏng vấn, khảo sát

Trong 4 ngày diễn ra sự kiện, các thành viên dự án đã thảo luận sôi nổi về cách thức nhằm khảo sát hiểu biết và nhu cầu về sức khỏe tâm thần của cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên các trường đại học Việt Nam, Campuchia một cách hiệu quả. Để hoàn thiện quy trình, nhóm dự án sẽ tiếp tục rà soát lại phiếu điều tra,và rà soát cách thức phân tích dữ liệu thu thập được. Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Turku (Phần Lan) giữ vai trò phụ trách chính sẽ hỗ trợ các trường thành viên trong quá trình thực hiện khảo sát thực tế.

Hội thảo đã kết thúc thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp về lòng hiếu khách nồng hậu của trường Đại học Hoàng gia Phnom Penh (RUPP) nói riêng và các thành viên Campuchia nói chung.

Tặng quà lưu niệm

Hoạt động chung


BÀI VIẾT LIÊN QUAN