Hội nghị tuyên truyền hưởng ứng tháng hành động bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
09/12/2024Thực hiện theo Công văn số 5898/ĐHTN – TCCB ngày 20 tháng 11 năm 2024 của Đại học Thái Nguyên về việc triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở Giới năm 2024, sáng ngày 29/11/2024, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền hưởng ứng tháng hành động bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 tới toàn thể cán bộ viên chức, người lao động của Nhà trường.
Hội nghị đã được nghe ThS.Nguyễn Quang Huy – giảng viên Khoa Quản lý Luật kinh tế trình bày về: Một số vấn đề chung về giới và bình đẳng giới; Nhận diện bình đẳng giới trong một số lĩnh vực pháp luật ở Việt Nam.
Những năm qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Với sự chung tay, phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương, công tác bình đẳng giới thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp trong các nhiệm kỳ đều tăng. Có 59% các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ. 74,6% chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực. Khoảng cách giới trong tất cả các cấp giáo dục được thu hẹp; hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới được mở rộng và nâng cao chất lượng; vai trò, vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế được nâng cao, ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh. Nhiều nữ sỹ quan đã tham gia Lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc đã chứng tỏ năng lực tiềm tàng của phụ nữ và khi phụ nữ được phát huy vai trò, họ có thể đáp ứng được bất kỳ nhiệm vụ nào.
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2024 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Ngày 09/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hợp Quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027, khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: Những định kiến giới trong xã hội vẫn là một trở ngại lớn của công tác bình đẳng giới; tỉ lệ chênh lệch giới tính khi sinh còn ở mức cao; tình trạng tảo hôn và có con sớm vẫn khá phổ biến ở vùng dân tộc thiểu số; tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn tồn tại; phụ nữ vẫn phải đảm nhận nhiều hơn công việc nội trợ và chăm sóc gia đình so với nam giới...
Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật và tuyên truyền hưởng ứng tháng hành động bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 của Trường Đại học Kinh tês và Quản trị Kinh doanh đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Nguyễn Thị Thu Thảo - CTHSSV
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
+ Đoàn công tác Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh thăm và làm việc tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Giang Môn, Trung Quốc
+ Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024
+ Hội nghị Tổng kết công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024, triển khai nhiệm vụ chính trị năm 2025
+ Hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản của Trung ương và kế hoạch Đại hội Đảng bộ các cấp