Hội nghị rà soát công tác đào tạo, cố vấn học tập nhằm tăng cường tỷ lệ sinh viên đạt học lực giỏi, học lực khá và ra trường đúng hạn

 20/04/2023  510

Chiều ngày 14/4/2023, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh tổ chức Hội nghị rà soát công tác đào tạo, cố vấn học tập nhằm tăng cường tỷ lệ sinh viên đạt học lực giỏi, học lực khá và ra trường đúng hạn. Hội nghị có sự tham dự của PGS.TS. Đinh Hồng Linh - Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường và lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường.

PGS.TS Đinh Hồng Linh - Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường phát biểu chỉ đạo hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Phòng Đào tạo đã báo cáo về việc xét tiến độ học tập, xét tốt nghiệp đối với người học trong những năm học gần đây. Tiếp đó, đại diện lãnh đạo Phòng Công tác HSSV đã báo cáo về việc triển khai công tác cố vấn học tập từ năm 2019 đến  năm 2022. Hội nghị còn được nghe báo cáo về việc phân tích điểm các học phần đại cương của sinh viên toàn trường của Phòng Khảo thí và ĐBCLGD. Cuối cùng là phần thảo luận và đề xuất giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề sinh viên tốt nghiệp trễ hạn.

Theo báo cáo của đại diện lãnh đạo các đơn vị, nhìn chung tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn của 18 CTĐT của Nhà trường từ năm 2020 đến tháng 6 năm 2022 có giảm dần. Nguyên nhân chính là do dịch bệnh Covid -19 bùng phát nên sinh viên không tham gia thi chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ, đáp ứng chuẩn đầu ra của Nhà trường, để đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Một số CTĐT trong 2 đến 3 năm không có sinh viên lựa chọn vào CTĐT không thực hiện đối sánh vì không có dữ liệu, như CTĐT Ngân hàng, Kinh tế NN & PTNT, Kinh tế y tế, Quản trị kinh doanh thương mại, Thương mại quốc tế, sau quá trình định kỳ rà soát, Nhà trường đang xem xét ban hành Quyết định dừng tuyển sinh các CTĐT này.

Hội nghị nghe các báo cáo tổng quan từ lãnh đạo các đơn vị và tiến hành thảo luận

Qua quá trình trao đổi, tìm hiểu và khảo sát trong sinh viên, những nguyên nhân sinh viên yếu, kém, tốt nghiệp trễ hạn được xác định, như: sinh viên rớt học phần; chưa hoàn thành học phần ngoại ngữ; thay đổi kế hoạch học tập so với kế hoạch ban đầu; không đăng ký được học phần do nợ các học phần tiên quyết; không có phương pháp học tập đúng ngay từ đầu; sinh viên đi làm ngay sau khi thực tập; do hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế… Bên cạnh đó, nhiều sinh viên không chủ động tìm hiểu thông tin, nắm rõ khung chương trình đào tạo hay hiểu rõ năng lực bản thân, dẫn đến đăng ký số tín chỉ chưa phù hợp, gây kéo dài thời gian học tập.

Trên cơ sở đó, một số giải pháp được thảo luận và đề xuất như: tăng cường vai trò của cố vấn học tập và xây dựng bộ phận chuyên trách về vấn đề học tập và theo dõi sát sao tiến độ học tập của sinh viên; giúp sinh viên nắm rõ quy chế học vụ, hướng dẫn lập kế hoạch học tập; đánh giá lại và tìm hiểu nguyên nhân của một số học phần có tỷ lệ rớt cao cùng với lấy ý kiến sinh viên nhằm điều chỉnh phương pháp giảng dạy và cách đánh giá phù hợp; phát triển phần mềm hỗ trợ cán bộ trong phát hiện và cảnh báo sớm đối với sinh viên chậm tiến độ; xét tốt nghiệp thường xuyên cho sinh viên;…

Hội nghị đã giúp lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo các đơn vị đã thấy được bức tranh toàn cảnh từ nhiều góc độ đối với vấn đề sinh viên đạt học lực giỏi, học lực khá và ra trường đúng hạn. Phát biểu kết luận tại Hội thảo, PGS.TS. Đinh Hồng Linh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường, đồng tình với những đánh giá và đề xuất của các đơn vị và định hướng một số giải pháp và hoạt động trong thời gian tới như: tăng cường công tác tư vấn cho sinh viên, phát triển hệ thống tư vấn của Nhà trường; cố vấn học tập trước hết cần nắm rõ quy chế học vụ, theo sát tiến độ học tập của sinh viên, nắm tình hình đời sống kinh tế, nhắc nhở, cảnh báo thường xuyên đối với sinh viên; cập nhật, phát triển phần mềm quản lý sinh viên, bổ sung các chức năng hỗ trợ theo dõi và ra quyết định đối với vấn đề chậm tiến độ của sinh viên; phát triển hệ thống phục vụ sinh viên không chỉ về tài liệu học tập mà còn về cơ sở vật chất, hệ thống phần mềm và tư vấn; rà soát lại quy định về học phần tiên quyết; các đơn vị có liên quan cùng đánh giá, điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo phù hợp với sinh viên; quan trọng hơn cả là sinh viên chủ động, xác định được mục tiêu học tập và có phương pháp học tập đúng. Phó Hiệu trưởng mong muốn các đơn vị chủ động nắm bắt thông tin, xây dựng chương trình hành động, song song đó, Nhà trường cũng sẽ tiếp tục xây dựng, bổ sung các chính sách phù hợp để nhằm đạt mục tiêu cường tỷ lệ sinh viên đạt học lực giỏi, học lực khá và ra trường đúng hạn.

Nguyễn Thị Thu Thảo - CTHSSV


BÀI VIẾT LIÊN QUAN