Chuyến tham quan thực tế, giao lưu học tập kinh nghiệm ôn lại truyền thống nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8/3

 08/03/2023  694

 Thực hiện kế hoạch công tác của Công đoàn Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh năm học 2022-2023, hướng dẫn số 09/HD-CĐ ngày 10/02/2023 của Công đoàn ĐHTN về tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày 5/3/2023, Ban Nữ công Công đoàn Trường tổ chức cho toàn thể nữ công Công đoàn Trường chuyến thăm quan, giao lưu học tập kinh nghiệm tại một số di tích lịch sử văn hóa đền chùa nổi tiếng tại tỉnh Bắc Giang và Tây Yên tử nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Tham dự chuyến tham quan có TS.Bùi Nữ Hoàng Anh - Chủ tịch Công đoàn trường, Đ/c Dương Thanh Tình - Trưởng Ban Nữ công Nhà trường, các đồng chí trong Ban Thường vụ Công đoàn và toàn thể nữ viên chức, người lao động toàn trường.

Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử gồm hệ thống các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh nằm ở sườn Tây và Bắc của dãy núi Yên Tử, thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tây Yên Tử trải dài từ Sơn Động đến Yên Dũng. Tây Yên Tử là nơi có hệ thống các chùa tháp, di tích cùng sự kỳ vĩ của rừng, núi liên quan đến sự hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần như Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Am Vãi (Lục Ngạn), Đồng Thông (Sơn Động),... Hệ thống di tích Tây Yên Tử cùng với Đông Yên Tử và Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều tạo thành Quần thể di tích danh thắng Yên Tử đang được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2017.

Nếu Đông Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, nơi lưu giữ xá lị của Ngài sau viên tịch, thì Tây Yên Tử là con đường hoằng dương phật pháp của Ngài. Con đường trước đây nhà vua đến với đỉnh Yên Tử chính là từ phía Tây sang phía Đông. Không chỉ Phật hoàng Trần Nhân Tông mà từ thế kỷ XI cho đến thế kỷ XIII, đã có nhiều nhà sư chọn con đường lên Yên Tử từ phía Tây để tu hành, dựng chùa, xây tháp, phát đạo.Đặc biệt phía sườn Tây Yên Tử còn có hàng loạt các công trình di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ, khu sinh thái Đồng Thông…

Tiếp đó, Đoàn đã có chuyến tham quan tại Chùa Vĩnh Nghiêm còn được gọi là chùa Đức La, là một ngôi chùa cổ tại làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, Việt Nam. Chùa được công nhận là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. Năm 2015, chùa được Nhà nước Việt Nam công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Từ xưa đến nay, việc đi lễ chùa đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Họ đến chùa không chỉ để cầu những điều may mắn cho bản thân, gia đình, mà còn bày tỏ tấm lòng thành kính với đức Phật, tổ tiên. Việc này càng trở nên ý nghĩa hơn khi Ban Nữ công, Công đoàn Trường đã tổ chức cho các nữ cán bộ Trường ĐHKT&QTKD được tham quan thực tế, giao lưu học tập kinh nghiệm ôn lại truyền thống nhân ngày 8/3. Chuyến tham quan đầy ý nghĩa này không chỉ giúp cho các cán bộ nữ Nhà trường thêm gắn bó, đoàn kết, mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần chị em TUEBA thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn, hướng con người tới giá trị của chân - thiện - mỹ.

Nguyễn Thị Thu Thảo - CTHSSV


BÀI VIẾT LIÊN QUAN