Bối cảnh và ý nghĩa lịch sử ngày 3 tháng 2 năm 1930 - ngày thành lập Đảng

 03/02/2022  6847

Ngày 3/2/1930 là ngày Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức ra đời. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, có bước ngoặt to lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Hãy tìm hiểu bối cảnh và ý nghĩa lịch sử ngày 3 tháng 2 năm 1930 trong bài viết dưới đây nhé.

Bối cảnh lịch sử ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam

Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển sâu sắc. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân ngày càng trở nên gay gắt. Do đó, nhiều phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra vô cùng mạnh mẽ.

Năm 1917, với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác – Lênin đã đưa lý luận trở thành hiện thực. Cuộc cách mạng đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và con người. Đến tháng 3 năm 1919, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) ra đời cũng đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Ở trong nước, năm 1858, thực dân Pháp đưa quân xâm lược Việt Nam và bắt đầu thiết lập bộ máy thống trị, chúng đã biến nước ta từ một quốc gia phong kiến thành “nửa thuộc địa, nửa phong kiến”. Các chính sách cai trị của Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam thay đổi sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Trong đó có là sự ra đời hai giai cấp mới là công nhân và tư sản Việt Nam.

Ý nghĩa lịch sử ngày 3 tháng 2 năm 1930 thành lập Đảng

Các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam đều mang thân phận người dân mất nước và bị áp bức, bóc lột. Chính vì vậy, mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam lúc này, không chỉ là mâu thuẫn giữa nông dân với giai cấp địa chủ và phong kiến, mà đã nảy sinh mâu thuẫn gay gắt giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược.

Trong bối cảnh đó, nhiều phong trào yêu nước của nhân dân ta theo khuynh hướng tư tưởng phong kiến và dân chủ tư sản đã liên tục nổ ra. Tuy nhiên, các phong trào đó đã lần lượt thất bại do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết. Giữa lúc dân tộc ta chìm trong cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, ngày 5/6/1911 chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc, chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) đã ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới.

Trải qua những năm tháng bôn ba tại các quốc gia khác nhau, Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu nhiều cuộc cách mạng và các lý thuyết cách mạng trên thế giới. Nhờ sự hoạt động không mệt mỏi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí cách mạng tiền bối mà đến cuối năm 1929, đầu năm 1930, những điều kiện cho sự ra đời của một Đảng vô sản ở Việt Nam đã chín muồi.

Ý nghĩa lịch sử ngày 3 tháng 2 năm 1930

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp ở Việt Nam trong thời đại mới. Đồng thời là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam và hệ tư tưởng Mác-Lênin đối với cách mạng Việt Nam.

Ý nghĩa lịch sử ngày 3 tháng 2 năm 1930 thành lập Đảng

Sự ra đời của Đảng cùng với hệ thống tổ chức chặt chẽ và cương lĩnh cách mạng đúng đắn đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về lãnh đạo cách mạng kéo dài mấy chục năm đầu thế kỷ XX. Đảng đã xác định con đường cách mạng là giải phóng dân tộc theo phương hướng cách mạng vô sản, đây chính là cơ sở để Đảng khi mới ra đời đã nắm được ngọn cờ lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Chính đường lối này đã tập hợp lực lượng và sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc cùng chung tư tưởng và hành động để tiến hành cuộc cách mạng vĩ đại giành những thắng lợi to lớn sau này.

Đảng ra đời đã chủ trương cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới. Từ đây giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam tham gia một cách tự giác vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới. Do đó, Đảng đã tranh thủ được sự ủng hộ to lớn của cách mạng thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại để làm nên những thắng lợi vẻ vang. Bên cạnh đó, cách mạng Việt Nam cũng góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Sự ra đời của Đảng là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính chất quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta. Điều này đã được chứng minh bằng chiến thắng mở đầu của Cách mạng Tháng Tám 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thực tiễn 90 năm qua đã khẳng định, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng, hướng tới kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), Đảng ủy Trường Đại học Kinh tế và QTKD mong muốn toàn thể CBVC đảng viên Nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống “Trung thành, đoàn kết, dân chủ, đổi mới, trí tuệ", đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, ra sức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tham gia xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức; góp phần xây dựng Nhà trường phát triển nhanh, bền vững.

Nguyễn Thị Thu Thảo - ST


BÀI VIẾT LIÊN QUAN