Bộ môn Lý luận chính trị - Khoa Khoa học cơ bản và hành trình về nguồn

 01/08/2023  2109

Căn cứ theo QĐ số 875/QĐ-ĐHKT&QTKD-HCTC ngày 21 tháng 7 năm 2023 của Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế & QTKD về việc cử giảng viên tham gia chương trình thực tế.

Được sự tin tưởng từ Ban giám hiệu nhà trường, đoàn công tác của Bộ môn Lý luận Chính trị (BM LLCT) do đồng chí Phạm Thị Nga – Trưởng Bộ môn làm Trưởng đoàn khởi hành chuyến đi thực tế trong không gian yên tĩnh vào một buổi sớm tháng 7/2023. Hành trang mang theo của các thành viên trong đoàn là 200% tinh thần hoàn thành nhiệm vụ nhà trường giao phó cùng với tâm huyết làm nghề….và tâm trạng hồi hộp pha lẫn chút lo lắng cũng là điểm chung của các giảng viên trong BM LLCT vì lần này họ được đến những địa chỉ Đỏ, về với quê hương của mẹ Suốt và tìm hiểu một địa danh mà cả con người và mảnh đất khô cằn nơi ấy đều “hoá anh hùng”…

Thật may mắn cho đoàn khi đợt công tác ý nghĩa này được thực hiện trong những ngày đặc biệt…. trên hành trình ấy, chúng tôi luôn được đồng hành với nhiều đoàn công tác ở khắp mọi miền Tổ Quốc: từ Cao Bằng, Yên Bái… đến Ninh Bình, Thừa Thiên Huế… vào tận Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… Những chiếc xe chở các đoàn công tác xuất phát từ nhiều địa điểm khác nhau trên khắp dải đất hình chữ S, nay lại chung một đích đến là Quảng Trị. Cái nắng như đổ lửa, kèm theo từng cơn gió phơn Tây Nam làm bầu không khí thêm bỏng rát cũng không ngăn nổi bước chân của mọi con dân nước Việt hướng về đây với tất cả tình yêu thương, sự trân trọng và tấm lòng thành kính nhất…. Vùng đất Quảng Trị anh hùng - trái tim của cả nước mỗi dịp tháng 7 về chính là điểm dừng chân đầu tiên của đoàn thực tế.

Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Huyện Gio Linh - Tỉnh Quảng Trị)

 Đây là chốn yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ (trong đó có hơn 80 % là thanh niên tuổi đời từ 18 đến 22 tuổi), ở 10 khu vực chính với diện tích mộ là 23.000m2. Mỗi người đến từ những địa phương khác nhau, ra đi trong những thời khắc lịch sử khác nhau, nhưng họ đều có chung một niềm tin và khát vọng sẵn sàng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vì hòa bình, thống nhất Tổ quốc và họ đã cùng nhau nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Sau nghi lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của cả nước, các thành viên trong Đoàn di chuyển đến khu phần mộ của các liệt sĩ vô danh, rồi nơi an nghỉ của những liệt sĩ thuộc Bộ Giáo dục – đào tạo phục vụ chiến trường.

Được sự chỉ dẫn của Ban quản lý nghĩa trang, đoàn di chuyển nhanh đến với khu vực của các liệt sĩ quê Thái Nguyên – Bắc Kạn. Màu trắng của những dãy mộ liên tiếp xen lẫn vào màu xanh của những cánh rừng thông tĩnh lặng, điểm xuyết là các vệt nắng xuyên qua cành cây, kẽ lá càng làm không khí trong nghĩa trang trở nên tôn nghiêm hơn trong buổi sáng đầy nắng. Giữa không gian thiêng liêng và xúc động, khi đứng trước những ngôi mộ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông, lòng mỗi người như lắng lại, bồi hồi cảm phục về tinh thần yêu nước, sự quả cảm và ý chí bất khuất kiên cường của những người lính Trường Sơn năm xưa đã không tiếc tuổi thanh xuân, cống hiến máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì sự trường tồn của Tổ quốc.

Các giảng viên BM LLCT đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Huyện Gio Linh – Tỉnh Quảng Trị)

Sau hoạt động tri ân các liệt sĩ, chúng tôi theo xe để đến với địa điểm tiếp theo - Thành cổ Quảng Trị (Thị xã Quảng Trị - Tỉnh Quảng Trị). Dù đã đi được một đoạn đường nhưng tiếng chuông vẫn vang vọng như lời tạm biệt của các bác, các anh, các chị với đoàn công tác.

Tại Thành cổ Quảng Trị (Thị xã Quảng Trị - Tỉnh Quảng Trị)

Rời Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, chúng tôi đến dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị  - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nằm lặng lẽ và yên bình giữa trung tâm thị xã Quảng Trị, gần dòng sông Thạch Hãn hiền hòa. Khung cảnh nơi Thành cổ thật yên tĩnh, thanh bình đến lạ thường, chỉ nghe thấy tiếng chim hót trên những hàng cây xanh rợp bóng mát như chở che cho các anh hùng, liệt sĩ đang yên giấc trong lòng đất mẹ.

Thành cổ Quảng Trị như “người lính đi đầu” trong chiến dịch Xuân - Hè (1972). Không thể tưởng tượng nổi, trong những năm tháng chiến tranh ấy, trên một diện tích chưa đầy 4 km2 đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom, 1.230.328 viên đạn pháo các loại và hơn 2000 lượt máy bay oanh kích với sức công phá tổng cộng gấp 7 lần quả bom nguyên tử mà người Mỹ đã ném xuống Hirôsima (Nhật Bản) trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Số quân Mỹ - Ngụy ở Quảng Trị vào thời điểm cao nhất gấp 3 lần số dân của tỉnh. Cả một thị xã sầm uất đã thành đống tro tàn. Nhưng, với ý chí “bộ đội còn, Quảng Trị còn”, “Một tấc không đi, một ly không rời”, những chiến sĩ tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy đã gác lại những ước mơ và hoài bão, họ xếp bút nghiên rời giảng đường đại học theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, có người mãi mãi để lại tuổi thanh xuân nơi dòng Thạch Hãn, máu các anh đã in hình sóng nước. Cùng với lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích và nhân dân vùng Triệu Phong, các đơn vị bộ đội của ta đã đẩy chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Đế quốc Mỹ đến bờ vực phá sản. Từ đó, góp phần đắc lực tạo ưu thế cho phái đoàn Việt Nam trên bàn đàn phán ở Pari.

 Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Cuộc chiến 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972) tại Thành Cổ quả là quá sức tưởng tượng của tội ác và sự chịu đựng của loài người. 81 ngày đêm giữ đất, giữ thành, giữ niềm tin, khoảng 1,8 vạn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Họ đã viết nên một trong những trang sử oanh liệt nhất và hào hùng nhất của lịch sử dân tộc. Ngày hôm nay, trong từng nhành cây, ngọn cỏ, viên gạch đều thấm đẫm máu và da thịt các chiến sĩ bộ đội và đồng bào Quảng Trị. “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành Cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”. Không ai bảo ai, từng thành viên của đoàn công tác đều ý thức bước thật nhẹ, nói thật khẽ vì nơi đây có “đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ” và mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật”. Chúng tôi đi tới đài tưởng niệm trung tâm, cũng chính là ngôi mộ tập thể duy nhất và lớn nhất Thành cổ, thắp nén nhang viếng người nằm dưới cỏ. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các anh, các chị - Những người đã không tiếc máu xương của mình vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì mục tiêu thống nhất non sông của dân tộc…

Các giảng viên BM LLCT đến dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị (Thị xã Quảng Trị- Tỉnh Quảng Trị)

Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải

Địa danh cuối cùng trên đất Quảng Trị mà đoàn công tác dừng chân là sông Bến Hải và cầu Hiền Lương. Đây là hai “nhân chứng lịch sử” mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước thành hai miền Nam Bắc trong suốt 7.000 ngày đằng đẵng. Địa điểm này đã diễn ra những trận chiến đặc biệt: Cuộc chiến đấu cờ, cuộc chiến màu sơn và cuộc chiến âm thanh; Tuy không có tiếng súng nổ nhưng vô cùng gay go, quyết liệt. Vì là nơi chia cắt nên cầu Hiền Lương cũng là biểu tượng cho “Khát vọng thống nhất” non sông không thể nguôi trong suốt 20 năm trường. Hiện nay, cầu Hiền Lương đã được phục chế nguyên trạng 2 màu sơn xanh và vàng, như từng tồn tại trong lịch sử.

Cầu Hiền Lương – Sông Bến Hải

Cột cờ bên bến Hiền Lương

Khi xe chở đoàn công tác lăn bánh tới địa phận tỉnh Quảng Bình cũng là lúc chúng tôi biết sắp được về với mẹ Suốt và sẽ đến thăm vị tướng đặc biệt nhất trong quân đội – Đại tướng - Thầy giáo Võ Nguyên Giáp.

Về với mẹ Suốt…..

Việt Nam – Đất nước của “Nhiều người đã trở thành anh hùng” và nữ anh hùng Nguyễn Thị Suốt đã góp phần làm nên điều đó. Không chỉ vậy, mẹ còn làm cho cả thế giới mở rộng thêm vốn hiểu biết về “Giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”.

 Mẹ sinh năm 1906 tại đất Quảng Bình giàu tình người và yêu nước. Năm 1967, mẹ Nguyễn Thị Suốt đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1968, mẹ Suốt đã dũng cảm hy sinh khi vận chuyển đò trong trận mưa bom oanh tạc của máy bay Mỹ. 

Tượng đài mẹ Suốt bên dòng sông Nhật Lệ (TP Đồng Hới – Tỉnh Quảng Bình)

Nước Việt Nam có được như ngày hôm nay, một phần là nhờ công sức của mẹ Nguyễn Thị Suốt. Ghi nhớ công ơn của mẹ, nhân dân Quảng Bình đã dựng tượng đài mẹ bên cạnh dòng sông Nhật Lệ hào hùng và êm đêm. Có thể nói, mẹ Suốt chính là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và cũng là minh chứng hùng hồn nhất, thuyết phục nhất cho hình ảnh “con gái Quảng bình khí phách đọ Trường Sơn”.

Đến đèo Ngang thăm bậc tiền bối – Thầy giáo – Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tạm biệt mẹ Suốt, các giảng viên BM LLCT đến với Vũng Chùa – Đảo Yến, nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là khu vực có khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ, lưng tựa núi Thọ Sơn, mặt hướng ra biển Đông hùng vĩ với nhiều đảo nhỏ như hòn La, hòn Gió, hòn Nồm (đảo Yến). Phần mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm tại Mũi Rồng – mũi đất vươn ra biển, đối diện với đảo Yến.

Nơi đăng ký viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Từ phần mộ của Đại tướng nhìn ra biển

Bình yên, giản dị nhưng trang trọng và linh thiêng, đó là cảm nhận của cả đoàn công tác khi đến thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phần mộ Đại tướng bình dị như chính phong cách người lính, chất phác, giản dị. 

Dọc con đường lên viếng mộ Đại tướng có 103 bậc thang bằng gỗ, 103 cây hoa mai và 103 cây hoa ban Điện Biên tượng trưng cho 103 tuổi của Đại tướng. 103 tuổi đời, 36 năm cầm quân (1944 -1980) người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam đã lần lượt đọ sức và đánh thắng 10 đại tướng của Pháp và Mỹ (4 đại tướng Pháp và 6 đại tướng Mỹ), chưa kể đến nhiều viên đại tướng của chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Các tướng lĩnh Mỹ khi nhắc đến ông vẫn thường gọi ông là “Đại tướng 5 sao”, Đại tướng bên kia chí tuyến - William Westmoreland gọi ông là “Tướng huyền thoại” (Legendary Giap)... Năm 1984, Tân Bách khoa toàn thư Anh quốc (The new Encyclopedia Britannica), một trong những bách khoa thư đồ sộ nhất thế giới đã bình chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 10 vị tướng kiệt xuất của thế giới.

Trước anh linh của Đại tướng, các thành viên trong đoàn tiến hành dâng hoa và những nén hương để bày tỏ niềm thành kính, biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của vị Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người đã hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Dù Đại tướng đã về với đất mẹ Quảng Bình gần 10 năm nhưng Ông vẫn còn sống mãi với dân tộc Việt Nam, non sông Việt Nam.

Nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đoàn công tác thắp hương viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Địa điểm kết thúc cho chuyến đi thực tế của bộ môn là Khu di tích Kim Liên, Nghệ An. Nơi đây lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Bác Hồ và những người thân trong gia đình Bác. Toàn bộ Khu Di tích Kim Liên rộng hơn 205 ha với nhiều điểm di tích, trong đó nổi bật là cụm di tích Hoàng Trù – quê ngoại và cụm di tích làng Sen – quê nội của Hồ Chủ Tịch.

“Đi giữa ân tình giữa bát ngát hương sen”, theo thuyết minh của cô hướng dẫn viên, đoàn công tác đến ngôi nhà của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Nom từ xa, là mái nhà tranh, thưng phên đơn sơ nép mình dưới rặng tre bốn mùa xào xạc. Ngôi nhà ấy đã in dấu bao kỉ niệm về một thời niên thiếu của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Ngôi nhà ấy đã thấm đượm tiếng ru hời của bà, của mẹ; lời dạy bảo ân cần nhưng rất đỗi nghiêm khắc của cha… để góp phần hình thành nên một nhân cách Hồ Chí Minh sau này.

Các giảng viên BM LLCT đi thực tế tại Khu di tích Kim Liên, Nghệ An

Nếu như cụm di tích Hoàng Trù là nơi người con thứ ba của cụ Nguyễn Sinh Sắc cất tiếng khóc chào đời, qua từng lời ru của mẹ bên khung cửi đã hun đúc tình yêu nước cho cậu bé Nguyễn Sinh Cung thì Làng Sen – quê cha là nơi khởi nguồn ý chí cứu nước cho người thiếu niên Nguyễn Tất Thành. Hẳn trong tâm khảm bao người, không ai nghĩ rằng, một vị lãnh tụ dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới - Hồ Chí Minh, lại sống một cuộc đời dung dị, lớn lên trong một ngôi nhà mộc mạc, khiêm nhường đến vậy.

Chuyến thăm quê Bác đã kết thúc hành trình tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đồng thời cũng phục vụ công tác tìm hiểu, nghiên cứu các địa danh lịch sử nhằm nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn Lý luận Chính trị tại trường Đại học Kinh tế & QTKD – ĐH Thái Nguyên. Đối với chúng tôi, chuyến công tác thực tế lần này đã để lại cảm xúc sâu lắng cho mỗi thành viên trong đoàn. Đó là chuyến đi về với quá khứ để cùng nhau ý thức cho hiện tại và thắp sáng tương lai. Đội ngũ giảng viên BM LLCT nguyện cống hiến hết mình, mang ngọn lửa nhiệt huyết, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đến với các bạn trẻ sinh viên trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh nói riêng và sinh viên trong toàn Đại học Thái Nguyên nói chung để cùng nhau phấn đấu vì một Việt Nam phát triển – phồn vinh - hạnh phúc.

Th.S Nguyễn Thị Như Quỳnh – Bộ môn Lý luận Chính trị

 


BÀI VIẾT LIÊN QUAN