Giới thiệu chung Khoa Ngân hàng - Tài chính

 16/08/2016  923

I. GIỚI THIỆU CHUNG

 

Khoa Ngân hàng – Tài chính được thành lập theo Quyết định số 578/QĐ-ĐHTN ngày 20 tháng 06 năm 2012 của Giám đốc Đại học Thái Nguyên trên cơ sở Bộ môn Tài chính Ngân hàng thuộc Khoa Kế toán.  Khoa Ngân hàng – Tài chính có nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ đại học, sau đại học, các trình độ thấp hơn thuộc các ngành Ngân hàng, Tài chính,  nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ trường Đại học ban hành theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế và QTKD giao.

Tổng số cán bộ viên chức trong Khoa tính đến 30/09/2018  là 38 cán bộ giảng viên, trong đó có 37 cán bộ giảng dạy (01 Phó giáo sư, 02 Tiến sỹ, 36 Thạc sỹ, số còn lại đang học Cao học tại các trường trong và ngoài nước) và 01 chuyên viên văn phòng. Các cán bộ giảng viên trong Khoa đa số còn trẻ, được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành tại các trường đại học có uy tín ở các nước Mỹ, Úc, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Hiện tại, Khoa Ngân hàng – Tài chính đang đào tạo 03 chuyên ngành bậc đại học gồm: Tài chính ngân hàng, Tài chính doanh nghiệp và Ngân hàng với các hình thức đào tạo là chính quy dài hạn, văn bằng hai và hệ liên thông từ cao đẳng lên đại học. Đến nay quy mô đào tạo của Khoa lên tới gần 1.100 sinh viên với 14 lớp sinh viên đại học chính quy, 01 lớp liên thông Cao đẳng lên Đại học và 01 lớp Văn bằng 2. Các chương trình đào tạo của Khoa được xây dựng trên cơ sở chuẩn đầu ra về chuyên môn, ngoại ngữ và tin học cho sinh viên khi ra trường nhằm đáp ứng đầy đủ kiến thức và kỹ năng  theo nhu cầu xã hội. Những năm qua, các chương trình đào tạo của Khoa luôn thu hút đông đảo phụ huynh và thí sinh quan tâm với số lượng thí sinh đăng ký dự thi tăng qua các năm. Tính đến thời điểm hiện tại Khoa Ngân hàng – Tài chính đã có 03 khóa sinh viên đã tốt nghiệp, các sinh viên sau khi tốt nghiệp đa số đã có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Để ghi nhận những nỗ lực, cố gắng trong hoạt động quản lý, giảng dạy, NCKH và các hoạt động đoàn thể khác, thời gian qua các tập thể và cá nhân trong Khoa đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo; Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Kinh tế & QTKD.

Mục tiêu của Khoa trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Đảng ủy, BGH Nhà trường về nâng cao chất lượng đào tạo gắn với việc thực hiện các cam kết về chuẩn đầu ra đối với sinh viên và chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ, tin học đối với cán bộ giảng viên nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Trong tương lai, Khoa Ngân hàng – Tài chính sẽ là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của khu vực và cả nước về Tài chính – Ngân hàng, đáp ứng nhu cầu đào tạo về nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh  hội nhập kinh tế toàn cầu. Các sinh viên và học viên của Nhà trường sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội tìm được công việc thích hợp, có thu nhập cao và có vị trí cao hơn trong đơn vị công tác.

Đến với Khoa Ngân hàng  - Tài chính, Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên, Quý vị có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng đào tạo với hành trang kiến thức và các kỹ năng mềm để có thể tự tin tìm kiếm cơ hội và phát triển sự nghiệp của mình sau khi tốt nghiệp.

II. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

1. Chức năng

Khoa Ngân hàng - Tài chính có chức năng đào tạo cán bộ có trình độ Đại học và sau Đại học thuộc ngành Tài chính ngân hàng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ trường Đại học và các nhiệm vụ khác của Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế và QTKD.

2. Nhiệm vụ

Khoa Ngân hàng – Tài chính là đơn vị trực thuộc trường ĐH Kinh tế và QTKD, Đại học Thái Nguyên, có những nhiệm vụ sau đây:

1. Đề xuất thay đổi về tổ chức, nhân sự trong khoa; đăng ký nhận nhiệm vụ đào tạo các trình độ, mở ngành, chuyên ngành đào tạo;

2. Xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy, học tập và chủ trì tổ chức quá trình đào tạo một hoặc một số ngành; tổ chức quá trình đào tạo và các hoạt động giáo dục khác trong chương trình, kế hoạch giảng dạy chung của nhà trường;

3. Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, phát triển chương trình đào tạo và cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế;

4. Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, chủ động khai thác các dự án hợp tác quốc tế; phối hợp với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội;

5. Quản lý công chức, viên chức và người học thuộc khoa theo phân cấp của Hiệu trưởng;

6. Quản lý nội dung, phương pháp, chất lượng đào tạo, quản lý chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ;

7. Tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình môn học do Hiệu trưởng giao; tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập; đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, bảo trì thiết bị dạy – học, thực hành, thực tập và thực nghiệm khoa học;

8. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho công chức, viên chức và người học; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên và cán bộ nhân viên thuộc khoa;

9. Tổ chức đánh giá cán bộ quản lý, giảng viên và nghiên cứu viên trong khoa; tham gia đánh giá cán bộ quản lý cấp trên, cán bộ quản lý ngang cấp theo quy định của nhà trường.


BÀI VIẾT LIÊN QUAN