Đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng
07/04/2022
Tin giả về phát ngôn của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội thời gian qua. |
Hiện nay, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng internet và các trang mạng xã hội để đăng tải thông tin xấu, độc, sai sự thật nhằm bóp méo, xuyên tạc, làm lẫn lộn đúng - sai, thật - giả, gây hoang mang dư luận xã hội.
Thực tế này đặt ra yêu cầu cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và cả hệ thống chính trị tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
* Cảnh giác trước những thông tin xấu, độc
Hiện nay các thế lực thù địch triệt để tận dụng lợi thế không gian mạng để chống phá trên tất cả các lĩnh vực. Một trong những chiêu thức mà chúng triệt để lợi dụng là sử dụng internet để đăng tải, phát tán các bài viết, video clip, hình ảnh lắp ghép sai sự thật, gây nhiễu loạn thông tin; làm cho người tiếp nhận thông tin phân tâm, mơ hồ, mất cảnh giác; gieo rắc sự hoài nghi, bi quan, dẫn đến mất phương hướng chính trị, giảm sút lòng tin vào Đảng, vào chế độ, làm xuất hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Nội dung mà các thế lực thù địch tập trung chống phá rất phong phú, đa dạng. Chúng thường phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh; chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; phủ nhận những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng… Ngoài ra, chúng thực hiện các âm mưu, thủ đoạn phủ nhận lịch sử truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, của Đảng ta, chia rẽ mối đoàn kết Đảng với dân, xuyên tạc, phủ nhận mục tiêu con đường xã hội chủ nghĩa và xuyên tạc đời tư, bôi nhọ hình ảnh các lãnh đạo của đất nước…
Từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều thế lực thù địch, phần tử phản động còn tập trung phát tán tin, bài xuyên tạc Đại hội XIII của Đảng, nhất là công tác nhân sự đại hội; xuyên tạc về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để tung những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến công cuộc phòng, chống dịch của nước ta.
Trong suốt hơn 90 năm xây dựng, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ở bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, nhất là trước những bước ngoặt, những thời điểm khó khăn của cách mạng thì nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch luôn có tầm quan trọng hàng đầu, gắn với nhiệm vụ trọng yếu bảo vệ con đường cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ và bảo vệ đất nước, nhân dân ta.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần kết hợp chặt chẽ tính Đảng, tính khoa học và tính nghệ thuật. Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet hiện nay cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và hướng dẫn của cơ quan chức năng. Các cấp ủy Đảng giữ vai trò quyết định phương hướng, phương châm, tổ chức lực lượng, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công tác đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng đạt hiệu quả cao.
Đồng thời, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, đội ngũ cán bộ tuyên giáo, các chuyên gia đầu ngành trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, kỹ năng thiết lập, khai thác, sử dụng, chia sẻ thông tin trên các trang mạng xã hội, phương pháp đấu tranh trên internet cho các lực lượng tham gia đấu tranh. Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng môi trường thuận lợi, bảo đảm cơ sở vật chất, tạo động lực cho lực lượng nòng cốt đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng internet.
* Nâng cao nhận thức và cảnh giác trước thông tin không chính xác
Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội liên tục được hỗ trợ bởi những công nghệ mới ngày càng tiện ích hơn, mang lại nhiều giá trị tích cực, trở thành kênh thông tin quan trọng, thúc đẩy quá trình giao tiếp và kết nối xã hội.
Theo số liệu thống kê của Bộ TT-TT, Việt Nam có hơn 360 mạng xã hội được cấp phép và đang hoạt động, với khoảng 55 triệu người sử dụng (chiếm khoảng 57% dân số), chủ yếu sử dụng các mạng xã hội lớn như: Facebook, YouTube, Zalo, Tiktok… (trong đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước có lượng người sử dụng Facebook, YouTube nhiều nhất thế giới). Ưu điểm của báo điện tử và mạng xã hội là thông tin nhanh, sức lan tỏa thông tin rộng; việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội khá thuận tiện; đối tượng tiếp cận mạng xã hội rất phong phú, đa dạng, nhiều thành phần (trong đó không ít người có trình độ, nhận thức chính trị còn tương đối hạn chế và có thói quen theo dõi các trang thông tin không chính thống trong nước và nước ngoài). Chính vì vậy, các thế lực thù địch đã lựa chọn mạng xã hội là một mũi tấn công, xuyên tạc, tuyên tuyền chống phá hệ tư tưởng, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chống phá Đảng và Nhà nước ta nhằm mục đích làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, thời gian tới các thế lực thù địch, phản động sẽ tiếp tục đẩy mạnh hành vi lợi dụng internet và mạng xã hội để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc với những phương thức thủ đoạn táo bạo hơn, tinh vi hơn. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn ngừa hoạt động này, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần nâng cao nhận thức và nêu cao tinh thần cảnh giác trước những hành vi lợi dụng internet và mạng xã hội để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc về Đảng và Nhà nước ta. Phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và mọi người dân thấy rõ đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin bịa đặt, có dụng ý xấu để cảnh giác, đề phòng trước những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động.
Bên cạnh đó, phải thực sự coi trọng công tác giáo dục lý luận chính trị, tổ chức hiệu quả việc học tập, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự tạo dựng cho bản thân nền tảng tri thức chính trị - xã hội đúng đắn, khoa học, đủ khả năng “tự đề kháng”, đủ trình độ nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên các trang mạng xã hội.
Khi tham gia tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, cần tỉnh táo nhận diện đâu là thông tin tốt, thông tin xấu, đâu là thông tin có cơ sở, thông tin xuyên tạc, bịa đặt; không tham gia bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc bị lôi cuốn theo những giọng điệu mỹ miều, xảo trá của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội mà dẫn tới tư tưởng hoài nghi, hoang mang.
Nguyễn Thị Thu Thảo – CTHSSV (ST)
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
+ Quyết định v/v công nhận kết quả rèn luyện Học kỳ II năm học 2023-2024
+ Quyết định v/v công nhận kết quả rèn luyện toàn khoá học 2020-2024 của sinh viên khoá K17 hệ đại học chính quy
+ Quyết định v/v công nhận kết quả rèn luyện K17 Học kỳ II Năm học 2023-2024
+ Quyết định công nhận điểm rèn luyện học kỳ I năm học 2023-2024