Chương trình đào tạo Quản trị Doanh nghiệp áp dụng cho K15-16

 13/07/2016  813

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP

 

I. GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH

1.1. Giới thiệu chung

- Tên chương trình đào tạo:      Quản trị Doanh nghiệp

- Trình độ đào tạo:                   Cử nhân

- Thời gian đào tạo:                      4 năm. 

1.2 KHUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

1. Các môn học đại cương:  (Xem chi tiết tại đây

2. Các môn học chuyên ngành:  (Xem chi tiết tại đây)  

 

CHUẨN ĐẦU RA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO  

 QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP 

 

I. GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH

1.1. Giới thiệu chung

- Tên chương trình đào tạo:      QTDN

- Trình độ đào tạo:                   Cử nhân

- Thời gian đào tạo:               4 năm.

1.2. Mục tiêu chương trình đào tạo

Đào tạo cử nhân Quản trị Kinh doanh có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt; nắm vững kiến thức cơ bản về kinh tế - xã hội, có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực quản trị kinh doanh; vận dụng thành thạo những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, có khả năng tạo lập và điều hành doanh nghiệp, nhằm phát triển các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xã hội tại các địa phương, đặc biệt ở khu vực trung du miền núi phía Bắc.

II. VỊ TRÍ LÀM VIỆC SAU KHI TỐT NGHIỆP

Nhóm 1 – Nhân viên và cán bộ quản lý kinh doanh

Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh chuyên ngành QTDN có đủ năng lực làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế; đảm đương tốt công việc của chuyên viên tại các phòng ban chức năng trong doanh nghiệp như: phòng kinh doanh, phòng kế hoạch và điều độ sản xuất, phòng marketing, phòng tổ chức, tài chính... hoặc thư ký, trợ lý giúp việc cho các nhà quản lý các cấp trong bộ máy quản lý của doanh nghiệp. Triển vọng trong tương lai có thể trở thành các doanh nhân hay các nhà quản lý cấp cao như giám đốc điều hành, giám đốc bộ phận, trưởng các phòng ban ở tất cả các loại hình doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Nhóm 2 – Chuyên viên tư vấn - hoạch định chính sách

Có năng lực làm việc tại các cơ quan hành chính như sở, ban, ngành liên quan và các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, các tổ chức tư vấn quản trị kinh doanh; có thể đảm đương tốt các công việc: tư vấn viên, trợ lý phân tích, tham gia hoạch định, xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp. Triển vọng trong tương lai có thể trở thành các chuyên gia phân tích, tư vấn, lãnh đạo, quản lý trong các tổ chức kinh tế - xã hội.

Nhóm 3 Nghiên cứu viên và giảng viên

Có khả năng nghiên cứu và giảng dạy tại các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học về lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh. Tham gia nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến quản trị kinh doanh. Giảng dạy các môn học của ngành quản trị kinh doanh. Triển vọng trong tương lai có thể trở thành nghiên cứu viên, giảng viên có trình độ cao trong lĩnh vực quản trị kinh doanh.

III. CHUẨN ĐẦU RA

3.1. Chuẩn đầu ra về kiến thức

Sinh viên tốt nghiệp chương trình QTDN có kiến thức lý thuyết chuyên sâu của ngành Quản trị Kinh doanh; nắm vững kỹ thuật và có kiến thức thực tế để có thể giải quyết các công việc phức tạp của ngành QTKD; tích luỹ được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên và xã hội trong lĩnh vực QTKD để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực kinh doanh.

Các kiến thức cụ thể cần có như sau:

- Hiểu biết và vận dụng các kiến thức khoa học cơ bản, kiến thức kinh tế chung và các quy luật kinh tế thị trường, các kiến thức cơ sở của khối ngành và cơ sở ngành vào giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn kinh doanh trong doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế xã hội.

- Hiểu và vận dụng tốt các kiến thức về các chức năng quản trị như lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh trong thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế xã hội.

- Hiểu biết và vận dụng kiến thức về lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh để tư vấn, đề xuất các chính sách, quy định để quản lý và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp ở một địa phương, khu vực.

- Nắm được kiến thức và các phương pháp nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực quản trị kinh doanh phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

- Có kiến thức thực tiễn về hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp.

3.2. Chuẩn đầu ra về kỹ năng

3.2.1. Kỹ năng nghề nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp chương trình QTDN có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành Quản trị Kinh doanh trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực kinh doanh; có năng lực dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề quy mô địa phương và vùng miền. Các kỹ năng cụ thể cần đạt như sau:

+ Có khả năng tạo lập và điều hành doanh nghiệp.

+ Có khả năng soạn thảo hệ thống văn bản quản lý sản xuất và giao dịch kinh doanh trong doanh nghiệp.

+ Có khả năng lập kế hoạch và điều độ sản xuất, tổ chức quá trình sản xuất, quản trị nguyên vật liệu, kiểm soát và đảm bảo chất lượng trong doanh nghiệp.

+ Có khả năng phân tích tài chính, đánh giá hiệu quả và kiểm soát các hoạt động trong doanh nghiệp.

+ Có kỹ năng sử dụng thành thạo các trang thiết bị văn phòng, và phương tiện hỗ trợ điều hành, quản lý doanh nghiệp.

+ Có kỹ năng tạo lập quan hệ, giao tiếp, và hợp tác trong công việc.

+ Có năng lực phân tích tình hình môi trường kinh doanh và nhận định tình huống phát sinh trong thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

3.2.2. Kỹ năng ngoại ngữ - tin học

+ Có kỹ năng ngoại ngữ ở mức có thể hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu về các chủ đề quen thuộc trong lĩnh vực kinh doanh; có thể sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt, xử lý một số tình huống chuyên môn thông thường; có thể viết được báo cáo có nội dung đơn giản, trình bày ý kiến liên quan đến công việc chuyên môn thuộc lĩnh vực quản trị doanh nghiệp; đạt trình độ B1 theo khung tham chiếu châu Âu hoặc tương đương.

+ Thành thạo kỹ năng sử dụng máy tính, vận dụng tốt một số phần mềm trong phân tích và quản lý, đạt chứng chỉ quốc tế IChoặc tương đương.

3.2.3. Kỹ năng mềm

Sinh viên tốt nghiệp chương trình QTDN đạt kỹ năng mềm như sau:

- Kỹ năng giao tiếp, ứng xử;

- Kỹ năng đàm phán và quan hệ công chúng trong kinh doanh;

- Kỹ năng thuyết trình;

- Kỹ năng làm việc nhóm;

- Kỹ năng tự học, tìm tòi và sáng tạo, làm việc có kế hoạch và khoa học;

- Kỹ năng quản lý thời gian, phân bổ công việc cá nhân.

3.3. Năng lực tự chủ và trách nhiệm:

Có năng lực dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp; có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; có khả năng tự định hướng, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau; tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật; có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể; có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn thuộc lĩnh vực quản trị doanh nghiệp ở quy mô trung bình.

3.4. Chuẩn đầu ra về phẩm chất đạo đức

3.4.1. Phẩm chất đạo đức cá nhân

Đạt được các phẩm chất đạo đức cá nhân như: có trách nhiệm công dân; ý thức tổ chức kỷ luật lao động; tự tin, linh hoạt, kiên trì theo đuổi mục tiêu, nhiệt tình, say mê sáng tạo, ...và có khát vọng trở thành doanh nhân, nhà lãnh đạo, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực QTKD.

3.4.2. Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp

 Đạt được các phẩm chất đạo đức nghề nghiệp như: tính liêm chính, khách quan, tận tâm, bảo mật thông tin của các bên liên quan, hành vi chuyên nghiệp. Các phẩm chất đạo đức cụ thể bao gồm:

- Tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy của đơn vị công tác.

- Làm việc và phục vụ khách hàng, tận tâm, công bằng, minh bạch.

- Đảm bảo năng lực chuyên môn.

3.4.3. Phẩm chất đạo đức xã hội

Có các phẩm chất đạo đức xã hội như: Tuân thủ pháp luật, sống và làm việc có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, trân trọng các giá trị đạo đức của dân tộc, hiểu biết vai trò của ngành quản trị kinh doanh trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

IV. ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG

4.1. Điều kiện tuyển sinh

            Theo quy chế tuyển sinh đại học hiện hành của Bộ Giáo dục & Đào tạo

4.2. Điều kiện thực hiện chương trình

- Sinh viên được cấp tài khoản cá nhân để đăng ký học, xem lịch học, lịch thi, kết quả học tập và lấy đề cương môn học trên cổng thông tin điện tử, được cấp thẻ thư viện để sử dụng tài liệu tại Trung tâm học liệu Đại học Thái Nguyên và các thư viện của Nhà trường.

- Sinh viên cuối khóa được đi thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế .

- Sinh viên được tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học do Trường, Đại học Thái Nguyên tổ chức; có cơ hội tham gia học chương trình thứ 2 tại Trường, học theo chương trình tiên tiến, chương trình liên kết đào tạo Quốc tế; nhận học bổng từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tham gia vào các hoạt động ngoại khoá, các khoá đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm.

                                                       HỘI ĐỒNG KHOA HỌC KHOA


BÀI VIẾT LIÊN QUAN